Quân sự Đài_Loan

Pháo phản lực Lôi Đình 2000 do Trung Hoa Dân Quốc chế tạo.

Trung Hoa Dân Quốc duy trì lực lượng quân sự quy mô lớn và tiên tiến, phân thành ba quân chủng là lục quân, hải quân và không quân[301]. Nhiệm vụ chủ yếu là phòng ngự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xâm lược[302][303], xem trọng phong tỏa trên biển, đột kích hàng không, hay tập kích đạn tự hành[304]. Lục quân có truyền thống chiếm địa vị chủ đạo, song trọng điểm đang chuyển dịch sang không quân và hải quân, quyền khống chế quân đội do chính phủ dân sự quản lý[304][305]. Trung Quốc Quốc dân Đảng tham khảo chế độ quân sự của Đảng Cộng sản Liên Xô để thành lập Quốc dân Cách mạng quân vào năm 1924, tiền thân của Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc, dù là sau Bắc phạt hay sau khi thực thi hiến pháp thì quân đội và Quốc dân đảng đều tương quan mật thiết[306], các nhánh quân sự, công nghiệp vũ khí, đơn vị nghiên cứu từ năm 1948 đến 1949 theo chính phủ dời đến Đài Loan[307]. Do vậy, rất nhiều tướng lĩnh cấp cao trước đây ủng hộ "phiếm Lam", song sau khi các tướng lĩnh này về hưu, đồng thời có thêm nhiều người bản địa tham gia phục dịch, khuynh hướng chính trị của quân đội dần hướng đến quốc gia hóa và trung lập hành chính[308].

Từ năm 1997 trở đi, chính phủ thực thi tinh giản binh lực, số lượng nhân viên quân sự giảm từ 450.000 năm 1997 xuống còn 380.000 vào năm 2001[309]. Năm 2009, số binh sĩ tại ngũ ước tính là khoảng 300.000 người[310]. Tuy nhiên, vào năm 2005, số lượng quân nhân dự bị lên đến 3,6 triệu người[311]. Chính phủ yêu cầu nam giới từ đủ 18 tuổi có tư cách phù hợp đều phải phục vụ binh dịch[312], song cũng có các phương án thay thế như phục vụ cơ quan chính phủ hoặc xí nghiệp quốc phòng[301][313]. Quân đội đang có kế hoạch chuyển sang chế độ tình nguyện toàn diện[314][315][316], thời gian phục dịch giảm từ 14 xuống 12 tháng[317]. Sau khi thất bại trong nội chiến vào năm 1949, chính phủ di dời Học viện Sĩ quan Lục quân, Học viện Sĩ quan Hải quân và Học viện Sĩ quan Không quân lần lượt đến Phượng Sơn[318], Cương SơnTả Doanh đều thuộc Cao Hùng[319].

Mặc dù rất nhiều quốc gia châu Á không ngừng giảm thiểu ngân sách quốc phòng, Trung Hoa Dân Quốc không giảm thiểu chi tiêu liên quan; tiếp tục nhấn mạnh hiện đại hóa năng lực phòng ngự và tiến công; đồng thời triển khai quân sự ở mức độ nhất định[301][302]. Chiến lược của Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc là tự tiến hành chống cự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xâm nhập hoặc phong tỏa, kiên trì đến khi Hoa Kỳ có phản ứng quân sự[320]. Từ năm 2002 đến năm 2011, ngân sách quốc phòng là khoảng 250 tỷ đến 330 tỷ Đài tệ, chiếm 15,52% đến 19,51% tổng ngân sách trung ương[321]. "Luật Quan hệ Đài Loan" của Hoa Kỳ có nội dung cung cấp vũ khí mang tính phòng ngự[322], đến nay Trung Hoa Dân Quốc đã mua từ Hoa Kỳ nhiều loại thiết bị quân sự, nhằm duy trì năng lực phòng ngự đầy đủ[121][323][324]. Trong quá khứ, Pháp và Hà Lan từng bán vũ khí và thiết bị phần cứng quân sự cho Trung Hoa Dân Quốc, song đình chỉ sau thập niên 1990 do áp lực từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa[325][326].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đài_Loan http://120.126.122.251/ntpu_dep/user_file/001596.p... http://140.115.123.30/gis/globalc/CHAP0607.htm http://www.taiwanholidays.com.au/taiwan-markets-op... http://tlweb.latrobe.edu.au/humanities/screeningth... http://www.dfat.gov.au/geo/taiwan/taiwan_brief.htm... http://http-server.carleton.ca/~bgordon/Rice/paper... http://orientaldaily.on.cc/cnt/news/20130603/00176... http://www.seismo.ethz.ch/static/gshap/eastasia/ http://niis.cass.cn/upload/2012/12/d20121201092029... http://cpc.people.com.cn/GB/69112/75843/75874/7599...